Thoái hóa khớp – Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
14/05/2020
Thoái hóa khớp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, cũng như cách điều trị và phòng ngừa thoái hóa khớp, bạn đọc có thể tìm hiểu trong bài viết sau.
1. Thoái hóa khớp là gì?
Thoái hoá khớp là hậu quả của quá trình mất cân bằng giữa tổng hợp và phân hủy của sụn và xương dưới sụn, kèm theo giảm thiểu lượng dịch khớp. Từ đó gây ra tình trạng đau nhức và cứng khớp.
Theo thời gian, lớp sụn khớp dần bị thoái hóa, trở nên xù xì và bị bào mòn dẫn đến nứt, vỡ. Đồng thời, phần xương dưới sụn cũng bị thay đổi cấu trúc và hình dạng, mật độ khoáng giảm, đầu xương trơ ra. Từ đó, dẫn tới sự hình thành gai xương ở rìa. Khi cử động, các xương dưới sụn cọ xát khiến người bệnh cảm thấy vô cùng đau đớn.
2. Triệu chứng thoái hóa khớp
2.1. Đau nhức
Đây là triệu chứng điển hình nhất. Cơn đau thường âm ỉ và nặng hơn vào sáng sớm, buổi tối, hoặc khi co duỗi các khớp. Đồng thời, khi vận động, người bệnh có thể nghe thấy tiếng kêu “lạo xạo” ở đầu gối. Các triệu chứng này rất đa dạng, diễn biến thất thường, cảm nhận rõ rệt khi thời tiết thay đổi, nhất là khi trời lạnh.
Ban đầu, tình trạng đau nhức chỉ xuất hiện khi vận động, giảm sau khi nghỉ ngơi. Sau đó, đau nhức xương khớp có thể kéo dài liên tục, đau nhiều hơn khi vận động
2.2. Cứng khớp
Tình trạng này thường diễn ra vào buổi sáng ngay sau khi ngủ dậy. Trong khi ngủ, người bệnh không thể cử động khiến các khớp bị cứng lại. Do vậy, lúc ngủ dậy người bệnh rất dễ rơi vào tình trạng cứng khớp,không thể thực hiện động tác co duỗi chân ngay được mà phải xoa bóp một vài phút hoặc thực hiện một vài động tác nhẹ nhàng mới có thể cử động được..
2.3. Hạn chế vận động
Người bị thoái hóa khớp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại và vận động hằng ngày. Những động tác như: nhấc chân, đứng lên ngồi xuống, leo cầu thang, quay cổ, vặn mình… rất khó thực hiện. Giai đoạn nặng, người bệnh còn bị mất thăng bằng và dễ ngã khi đi lại.
2.4. Biến dạng khớp
Triệu chứng này xuất hiện khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, sụn bị tổn thương nghiêm trọng, có sự hình thành các gai xương. Từ đó, khiến các khớp bị sưng to và biến dạng gây đau nhức, hạn chế vận động. Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách thì người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ tàn phế.
3. Khớp nào dễ bị thoái hóa?
Hầu hết các khớp đều có thể bị thoái hóa, nhưng thường gặp ở:
3.1. Khớp gối
Khớp gối luôn phải gánh chịu một trọng lực rất lớn để giúp cơ thể đứng vững, cụ thể khi xoay và di chuyển. Do đó, thoái hóa khớp gối là bệnh dễ gặp nhất.
Triệu chứng thường gặp như: Đau ở phía trước và bên cạnh đầu gối. Các động tác đứng lên ngồi xuống, leo cầu thang, đi lại… rất khó khăn. Giai đoạn nặng sẽ thấy tê chân, biến dạng nhẹ ở khớp gối.
3.2. Khớp háng
Khớp háng bị thoái hóa có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên. Người bệnh có cảm giác đau sâu bên trong phía trước háng hoặc đau ở bên cạnh, phía trước đùi, ở mông và lan xuống đầu gối.
3.3. Ngón tay, bàn tay
Bị ảnh hưởng nhiều là vùng gốc ngón cái và những khớp ngón tay, hình thành các nốt cứng, gồ ghề và cong nhẹ. Lúc này, bàn tay bị cứng lại, có tiếng rắc rắc khi cử động. Các động tác nắm, co duỗi tay khó thực hiện.
3.4. Cột sống lưng và cổ
Ban đầu, người bệnh chỉ có cảm giác đau mỏi bình thường giống như khi làm việc hoặc ngủ sai tư thế. Lâu dần, cơn đau trở nên dữ dội hơn kèm theo hiện tượng cứng, khó cử động, đau tê vai gáy rồi lan xuống cánh tay hay lên đầu.
3.5. Khớp vai
Bệnh thường gặp ở những người vận động sai tư thế, dân văn phòng… ít cử động khớp vai khi làm việc khiến quá trình lưu thông máu chậm lại, thậm chí bị tắc nghẽn. Chính điều này khiến các chất dinh dưỡng không đến nơi, máu không được bơm khiến khớp bị khô, thiếu chất dễ dẫn đến thoái hóa khớp vai.
3.6. Khớp cổ chân
Thoái hóa khớp cổ chân là tình trạng thường gặp ở người già và trung niên. Những người di chuyển càng nhiều thì sụn khớp càng dễ bị bào mòn và tổn thương. Bên cạnh đó, áp lực tại khớp cổ chân cũng tăng lên, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn.
4. Nguyên nhân thoái hóa khớp thường gặp
4.1. Do tuổi tác
Thoái hóa khớp là căn bệnh xảy ra do quá trình lão hóa của cơ thể và thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên. Theo thời gian, sụn khớp mất tính đàn hồi, bị khô cứng, nứt vỡ và bào mòn, cơ thể không còn tự tiết ra dịch nhầy để bôi trơn cho các khớp.
Từ đó gây đau và khó cử động.
4.2. Do công việc và thói quen sinh hoạt sai tư thế
Những người làm công việc đặc thù thường xuyên ngồi, đứng lâu một tư thế, hoặc người mang vác vật nặng rất dễ mắc bệnh thoái hóa xương khớp.
Các tư thế không đúng sẽ tạo áp lực lớn lên sụn khớp và đĩa đệm, gây tổn thương phần sụn khớp, từ đó làm giảm khả năng chịu lực, lâu dần xương khớp yếu đi và rất dễ bị thoái hóa.
4.3. Luyện tập thể dục thể thao quá độ
Các môn thể thao như: bóng đá, nhảy xa, quần vợt… không những gây sức ép cho xương khớp mà còn khiến người chơi phải đối mặt với rất nhiều chấn thương như: giãn dây chằng, rạn xương, trật khớp… Những tổn thương này góp phần khiến xương khớp bị thoái hóa nhanh hơn.
4.4. Di truyền
Cơ địa lão hóa sớm cũng có thể là nguyên nhân gây thoái hóa khớp. Nếu bạn có người thân trong gia đình bị bệnh thì nguy cơ mắc cũng cao hơn bình thường.
4.5. Do các dị tật bẩm sinh về cột sống
Gù vẹo cột sống, cũng làm thay đổi một phần hình thái và diện tỳ nén bình thường của cột sống, dần dần gây thoái hóa.
4.6. Do mắc bệnh lý
Thoái hóa xương khớp còn là hệ quả của một số bệnh lý như: tiểu đường, bệnh gút, loãng xương… Bên cạnh đó, những người sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài cũng có thể bị thoái hóa cột sống sớm hơn.
4.7. Chế độ ăn uống thiếu chất
Cơ thể thiếu hụt canxi, chondroitin – những chất cần thiết giúp xương chắc khỏe cũng là một trong những nguyên nhân đẩy nhanh quá trình thoái hóa.
4.8. Thừa cân
Việc tăng cân không kiểm soát khiến cơ thể rơi vào tình trạng béo phì, khiến cột sống phải chịu nhiều áp lực. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, gây thoái hóa nhanh chóng.
5. Chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp
Một số xét nghiệm được yêu cầu thực hiện như sau:
– Xét nghiệm máu, dịch ổ khớp để phát hiện dấu hiệu viêm
– Chụp X-quang ở các vị trí khớp có dấu hiệu bị thoái hóa, đau nhức để kiểm tra tình trạng gai xương, hẹp khe khớp
– Siêu âm khớp: đánh giá tình trạng tràn dịch khớp, đo độ dày sụn khớp, màng hoạt dịch, phát hiện các mảnh sụn thoái hóa bong vào trong ổ khớp.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI): phương pháp này có thể quan sát được hình ảnh khớp một cách đầy đủ trong không gian 3 chiều, phát hiện được các tổn thương sụn khớp, dây chằng, màng hoạt dịch.
Dựa trên triệu chứng và kết quả của các xét nghiệm cận lâm sàng , bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị bệnh.
6. Phương pháp điều trị thoái hóa khớp
6.1. Điều trị nội khoa
6.1.1. Tây y
Các loại thuốc tây trị thoái hóa khớp bao gồm thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, ibuprofen, aspirin. Trường hợp nặng thì phối hợp với thuốc giảm đau chống viêm không steroid (uống hoặc tiêm), kết hợp tiêm corticoid nội khớp để mang lại hiệu quả cao.
Việc sử dụng thuốc chữa thoái hóa khớp cần có sự thăm khám và chỉ định cụ thể của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh không nên tự ý mua thuốc để dùng. Các loại thuốc này cắt cơn đau nhanh chóng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu ngay sau đó. Tuy nhiên, chúng lại tiềm ẩn tác dụng phụ, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, hệ tiêu hóa…
6.1.2. Đông y
Nếu lo ngại tác dụng phụ của thuốc tây, người bệnh có thể tham khảo các bài thuốc từ thảo dược rất an toàn đối với sức khỏe. Tuy nhiên, người bệnh cần kiên trì sử dụng trong một thời gian dài để thấy được kết quả rõ rệt.
Bài thuốc 1:
Đu đủ xanh và Mễ nhân, mỗi thứ 30g, rửa sạch, đun với một bát nước cho đến khi thấy Mễ nhân chín mềm thì thêm ít đường phèn. Kiên trì thực hiện bài thuốc này trong một thời gian bệnh của bạn sẽ giảm đau rõ rệt.
Bài thuốc 2:
Rễ cây trinh nữ rửa sạch, thái mỏng, tẩm rượu đem sao thơm. Sau đó, dùng 20-30g rễ trinh nữ đã sao sắc với 500ml nước, đến khi chỉ còn 100ml thì bắc ra, chia làm 2 để uống trong ngày. Rễ cây trinh nữ có tác dụng an thần, kháng viêm và giảm đau.
Bài thuốc 3:
Lấy 30g rễ đinh lăng đã sao vàng, sắc với 2 lít nước cho đến khi còn 1 lít thì tắt bếp, uống thay nước trong ngày. Rễ đinh lăng có nhiều tác dụng, trong đó giúp bổ khí huyết và lưu thông máu, giảm đau nhức hiệu quả.
6.2. Điều trị ngoại khoa
Người bệnh được chỉ định điều trị bằng các phương pháp nội soi, cắt lọc, nắn chỉnh trục khớp. Trường hợp nặng có thể thực hiện phẫu thuật thay thế một phần hoặc toàn bộ khớp. Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp sử dụng các loại thuốc Tây y không đạt hiệu quả và khớp bị biến dạng.
7. Lời khuyên của bác sĩ
7.1. Chế độ ăn uống
Người bị bệnh thoái hóa khớp nên ăn gì? Dưới đây là những thực phẩm nên ăn:
– Các loại cá biển (cá hồi, cá ngừ, cá mòi…) chứa nhiều Omega-3, giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa xương khớp rất hiệu quả.
– Thường xuyên ăn các loại trái cây và rau xanh sẽ giúp chống oxy hóa, giảm sưng viêm, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Người bệnh nên sử dụng các loại rau có màu xanh đậm (rau cải bó xôi, bông cải xanh…), trái cây (dâu tây, chuối, cam)…
– Sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi dồi dào giúp cho xương khớp phát triển và hoạt động khỏe mạnh.
– Trứng: Lòng đỏ trứng chứa nhiều vitamin D, giúp tăng khả năng hấp thụ canxi vào xương, giúp xương luôn chắc khỏe. Mỗi tuần, người bệnh có thể ăn 3-4 quả trứng.
7.2. Chế độ tập luyện
Người thoái hóa khớp không nên vận động mạnh khi cơn đau “ghé thăm”. Khi những cơn đau khớp qua đi, bệnh nhân nên tập luyện nhẹ nhàng để khớp linh hoạt và tránh bị co cứng. Tuy nhiên, cần căn cứ vào mức độ thoái hóa ở khớp mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp tập luyện phù hợp. Lưu ý:
- Những bộ môn phù hợp với người bệnh này là đi bộ, đạp xe, yoga, bơi lội…
- Khi đi bộ, bạn không nên tập quá 30 phút mỗi lần.
- Trước khi thực hiện, cần khởi động bằng cách gập duỗi gối, căng cơ cẳng chân trong 5-10 phút.
- Sau khi đi bộ xong, không nên ngồi nghỉ ngay mà cần vận động khớp nhẹ nhàng trong 5 phút.
Thoái hóa khớp không ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tàn phế. Do đó, việc duy trì thực hiện chế độ ăn uống khoa học, vận động hợp lý là yếu tố cần thiết giúp bạn ngăn chặn cơn đau tái phát hiệu quả.