Đau thắt lưng (đau lưng dưới): Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
24/11/2020
Đau thắt lưng dưới (đau lưng dưới) ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh. Bệnh cũng tiềm ẩn không ít biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy, triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị ra sao, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Đau thắt lưng là gì?
Theo Viện Rối loạn thần kinh và đột quỵ quốc gia Mỹ (NINDS), đau thắt lưng hay đau lưng dưới (lower back pain) là những cơn đau xuất hiện ở vùng ngang thắt lưng, cơn đau có thể lan xuống mông hoặc chân.
Thông thường, tần suất cơn đau có thể kéo dài vài ngày hoặc mãn tính. Hầu như ai cũng gặp phải trường hợp đau lưng ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Đây là hội chứng thường gặp có biểu hiện đau khu trú ở vùng lưng từ đốt sống L1 đến nếp lằn mông ở một hoặc cả hai bên của cơ thể.
Theo thống kê, trong cộng đồng có từ 65-80% số người gặp phải tình trạng đau thắt lưng cấp tính, 10% trong số này có thể chuyển thành đau thắt lưng mãn tính.
2. Nguyên nhân đau thắt lưng (đau lưng dưới)
Lưng có cấu tạp phức tạp, chứa nhiều cơ, dây chằng, gân, đĩa đệm, xương và các bó dây thần kinh nằm dọc cột sống. Do đó, nếu một trong những bộ phận này bị ảnh hưởng đều có nguy cơ gây ra tình trạng đau lưng hay đau lưng dưới.
Một số nguyên nhân có thể kể đến như:
2.1. Do chấn thương
Các hoạt động mạnh hoặc tác động lực vào lưng dưới đột ngột có thể gây nên tình trạng đau lưng hoặc do căng thẳng tâm lý như:
- Căng cơ, căng giãn dây chằng
- Co thắt cơ bắp
- Chấn thương, té ngã, tai nạn
- Nâng vật nặng không đúng cách
2.2. Do bệnh lý
Một số bệnh lý thường gặp gây nên tình trạng đau lưng như:
- Vỡ đĩa sụn, đĩa sụn vùng thắt lưng bị ảnh hưởng, hỏng đĩa sụn
- Phình lồi đĩa đệm dẫn tới áp lực lên dây thần kinh
- Đau thần kinh tọa
- Viêm khớp (viêm các khớp ở hông, lưng dưới)
- Cong vẹo cột sống
- Loãng xương
- Bệnh lý sỏi thận, nhiễm trùng thận
Các bệnh lý phụ khoa như viêm vùng chậu, viêm cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng.
2.3. Béo phì, thừa cân
Béo phì là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh xương khớp, trong đó có đau lưng dưới. Do trọng lượng cơ thể vượt quá khả năng chịu đựng của xương khớp sẽ tạo áp lực lên khung xương đồng thời dung nạp lượng lớn chất béo còn làm giảm khả năng hấp thụ canxi và phosphor của cơ thể, khiến xương yếu đi.
2.4. Vận động, hoạt động sai cách, thói quen sinh hoạt
- Ngồi làm việc sai tư thế
- Hay xoay, vặn lưng
- Đẩy, kéo hoặc nâng vật gì đó quá nặng hoặc sai tư thế
- Đứng hoặc ngồi lâu trong thời gian dài
- Căng cổ hướng về phía trước trong thời gian dài như lái xe, ngồi máy tính
2.5. Chế độ dinh dưỡng không phù hợp
Người thường xuyên sử dụng rượu, bia, hút thuốc lá khiến tỉ lệ đau lưng dưới cao hơn so với người không sử dụng. Ngoài ra, chế độ ăn uống không đủ chất sẽ khiến cơ thể thiếu canxi, loãng xương dẫn tới tình trạng đau lưng.
3. Đối tượng có nguy cơ mắc
Bất kì ai cũng đều có nguy cơ bị đau lưng dưới. Tuy nhiên có những đối tượng dễ mắc bệnh hơn những người khác có yếu tố về tuổi tác, thể trạng, đặc thù công việc.
Cụ thể:
- Người cao tuổi
- Phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh
- Nhân viên văn phòng
- Người ngồi sai tư thế, ngồi lâu ở một tư thế.
- Người lao động nặng
- Người có tiền sử mắc các bệnh viêm khớp và ung thư
- Yếu tố di truyền
- Người thừa cân, béo phì, sinh hoạt không hợp lý, lười vận động
- Người thường xuyên căng thẳng, rối loạn tâm lý
4. Triệu chứng
- Cơn đau bắt đầu từ đau thắt lưng bên phải, đau một bên thắt lưng bên trái, hoặc các cơn đau lan xuống mông
- Xuất hiện cảm giác đau nhói, đau âm ỉ
- Cơn đau tăng lên khi vận động, thay đổi thời tiết, ho, hắt hơi, giảm khi nghỉ ngơi
- Trong trường hợp bị chèn ép dây thần kinh, cơn đau có thể lan xuống hông, gây tê bì chân tay
- Xuất hiện cảm giác ngứa, rát vùng lưng dưới
- Đau cứng cơ bắp, không thể đứng thẳng hoặc đi lại được
5. Đau thắt lưng – khi nào nên gặp bác sĩ?
Ngay khi sử dụng các biện pháp chăm sóc và điều trị triệu chứng tại nhà không khỏi hoặc gặp một trong số các biểu hiện dưới đây, bạn nên tiến hành thăm khám kịp thời:
- Sốt, viêm hoặc sưng ở lưng
- Sút cân đột ngột
- Đau thắt lưng dai dẳng, nằm hoặc nghỉ ngơi không đỡ
- Tiểu tiện không tự chủ
- Khó đi tiểu, xuất hiện cảm giác tê
6. Chẩn đoán
Các bác sĩ sẽ yêu cầu liệt kê bệnh sử và tiến hành kiểm tra thể chất để xác định vị trí đau chính xác. Kiểm tra sức khỏe cũng xác định xem cơn đau có ảnh hưởng tới phạm vi hoạt động hay không hay có ảnh hưởng tới thần kinh hay không.
Trong trường hợp bạn có những dấu hiệu liên quan đến suy nhược thần kinh hoặc mất cảm giác ở dây thần kinh, các bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi tình trạng trong một vài tuần trước khi xét nghiệm. Điều này là do hầu hết các cơn đau thắt lưng đều có thể tự khỏi bằng các phương pháp điều trị, tự chăm sóc đơn giản.
Để loại trừ nguyên nhân gây bệnh, một số xét nghiệm hình ảnh được chỉ định như chụp X-quang, chụp CT, siêu âm, MRI để phát hiện và kiểm tra các vấn đề về xương, đĩa đệm, dây chằng, gân hoặc mật độ xương ở lưng.
7. Điều trị đau thắt lưng
7.1. Điều trị đau thắt lưng bằng phương pháp chăm sóc tại nhà
Trong vòng 72 giờ đầu, khi cơn đau bắt đầu, bạn có thể thực hiện một số biện pháp để hạn chế cơn đau như chườm lạnh hoặc chườm nóng vào phần lưng dưới. Bạn nên sử dụng phương pháp chườm lạnh trong 48-72 giờ đầu và chuyển sang chườm ấm.
Ngoài ra kết hợp với phương pháp RICE (nghỉ ngơi, chườm lạnh, sử dụng băng nẹp, nâng cao lưng), sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen (advil, motrin IB) hoặc acetaminophen (Tylenol để giảm đau)
Nên nằm nghiêng và để một chiếc gối giữa hai chân. Nếu có thể nằm ngửa thoải mái, nên để gối hoặc khăn cuộn bên dưới đùi để giảm áp lực lên lưng dưới kết hợp với tắm nước ấm hoặc massage để thư giãn các cơ bị cứng ở thắt lưng.
7.2. Can thiệp bằng các biện pháp y tế
Đau thắt lưng có thể xảy ra với một số tình trạng khác nhau như do căng cơ và yếu cơ, dây thần kinh bị chèn ép, lệch cột sống. Đối với trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc, hoặc vật lý trị liệu như:
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs)
- Thuốc gây mê như codeine để giảm đau
- Steroid để giảm viêm
- Tiêm corticosteroid
Ngoài ra có thể kết hợp phương pháp vật lý trị liệu như massage, kéo giãn cơ, xoa bóp lưng và cột sống.
7.3. Phẫu thuật
Trong trường hợp nghiêm trọng, sau khi sử dụng các biện pháp chữa trị tại nhà và điều trị y tế không hiệu quả, hoặc các trường hợp khẩn cấp, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để làm giảm áp lực từ rễ thần kinh khi bị đè nén do phồng đĩa đệm.
Một số phương pháp phẫu thuật như:
- Phẫu thuật cắt bỏ một mảnh nhỏ của lớp màng, cắt bỏ ống sống
- Liệu pháp điện nhiệt bên trong (IDET) làm dày đĩa đêm và cắt giảm sự phồng lên của đĩa đệm bên trong, kích thích dây thần kinh
- Tạo hình nhân và sử dụng sóng vô tuyến để làm nóng và thu nhỏ mô sưng viêm
- Hợp nhất cột sống giúp cột sống khỏe hơn và giảm bớt những cơn đau khi vận động
- Phẫu thuật cắt bỏ lớp màng cột sống (giải nén cột sống)
7.4. Sử dụng một số bài thuốc dân gian chữa đau thắt lưng
Bài thuốc từ ngải cứu
- Lấy một nắm ngải cứu tươi rửa sạch, giã nát xong đun nóng với một chút giấm
- Dùng khăn sạch bọc ngải cứu và chườm dọc theo sống lưng, vùng thắt lưng bị đau
- Khi ngải cứu hết nóng thì sao nóng lại rồi tiếp tục chườm để giảm đau
Bài thuốc từ đinh lăng chữa đau thắt lưng
- Sắc khoảng 20-30g thân hoặc cây đinh lăng sắc nước uống
- Uống 3 lần trong ngày, kiên trì sử dụng đến khi chứng đau lưng thuyên giảm
Bài thuốc từ lá lốt
- Lấy 1 nắm lá lốt cả thân và rễ rửa sạch, thái khúc sau đó sao nóng với muối hạt
- Sau đó lấy khăn vải bọc vào và chườm vào vị trí bị đau
- Thực hiện tương tự như bài thuốc sao ngải cứu, đến khi lá lốt nguội thì đem sao lại và tiếp tục chườm.
8. Phòng tránh đau thắt lưng
Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Hằng, để giảm tình trạng đau thắt lưng, bên cạnh việc điều trị, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt để cải thiện tình hình:
- Thường xuyên tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe và kiểm soát cân nặng
- Nên tham khảo các bộ môn như bơi lội, đi bộ, đạp xe đạp, tập yoga, có sự đồng ý của bác sĩ hoặc người có chuyên môn.
- Không mang vác vật nặng, tránh cúi gập người đột ngột dẫn đến tổn thương lưng
- Nên đi lại, thư giãn lưng
- Kiểm soát cân nặng, tránh gây áp lực lên lưng
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu omega-3, trái cây, rau củ giàu vitamin C, vitamin K, sữa và các chế phẩm từ sữa
- Hạn chế rượu bia, thuốc lá, đồ uống có cồn, các thực phẩm giàu đạm, đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ
- Bổ sung các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như glucosamine, sụn cá mập…
Trên đây là một số thông tin về chứng đau thắt lưng, những nguyên nhân cơ bản và cách điều trị. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ không còn lo lắng khi những cơn đau lưng tái phát và biết cách tự bảo vệ sức khỏe bản thân. Nếu có dấu hiệu bất thường, nên thăm khám kịp thời nhé. Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề xương khớp, vui lòng liên hệ qua hotline 0865 344 349 để được tư vấn hỗ trợ hoặc các bài viết liên quan tại website vienkhoptambinh.vn.