Đau lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh
11/05/2020
Đau lưng là biểu hiện khá phổ biến ở nhiều người nhưng rất dễ bỏ qua. Lâu dần, từ triệu chứng ban đầu có thể phát triển thành bệnh về xương khớp, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
1. Khái quát về đau lưng
Đau lưng là cảm giác đau ở phần sau của cơ thể. Tùy vị trí có thể chia thành 3 khu vực chính: đau lưng trên, đau lưng dưới (vùng thắt lưng) và đau vùng xương cụt. Trong đó, đau vùng thắt lưng là phổ biến nhất.
Các cơn đau có thể là cấp tính, bán cấp tính hoặc mạn tính tùy thuộc vào khoảng thời gian đau.
1.1 Đau lưng cấp tính
Thường là cơn đau ngắn, kéo dài vài ngày đến vài tuần. Triệu chứng có lúc đau nhói, đau như dao đâm. Hoặc có khi đau cơ nhẹ mà người bệnh không vận động được bình thường và đứng thẳng người.
1.2 Đau lưng mạn tính
Nếu cơn đau kéo dài trên 6 tuần gọi là mạn tính. Thông thường những cơn đau thắt lưng mạn tính thường tiến triển theo từng đợt, tùy giai đoạn và mức độ tổn thương.
1.3 Đau vùng thắt lưng
Đau vùng thắt lưng hay còn gọi là đau lưng vùng dưới. Đây là hội chứng do đau khu trú trong khoảng từ ngang mức L1 đến nếp lằn mông (một hoặc cả hai bên).
Đây cũng là một hội chứng xương khớp hay gặp nhất, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2. Biểu hiện của đau lưng
Biểu hiện đặc trưng có thể là đau âm ỉ, nhức nhối, đau thấu xương hoặc cảm giác nóng rát.
Đau còn có thể lan ra cả cánh tay, bàn tay, cẳng chân và tới cả bàn chân. Từ đó dẫn đến tê bì chân tay hoặc yếu cơ.
Cơn đau có thể bắt nguồn từ các cơ, dây thần kinh, xương, khớp hoặc các bộ phận khác cấu thành nên cột sống.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có thể chia thành 2 nhóm nguyên nhân chính:
3.1 Do yếu tố bệnh lý
3.1.1 Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm L4, L5, S1 là một trong những căn bệnh xương khớp thường gặp nhất.
Biểu hiện ban đầu là cảm giác đau nhức vùng cột sống thắt lưng và vùng xương cùng, sau đó lan xuống mông, đùi và bàn chân.
3.1.2 Thoái hóa cột sống
Tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng càng tăng. Biểu hiện rõ rệt nhất là những cơn đau xuất hiện thường xuyên, kèm theo dáng đi không bình thường, cảm giác khó chịu.
3.1.3 Loãng xương
Nếu cơn đau diễn ra dữ dội ở phần lưng trên hoặc lưng giữa, kèm theo triệu chứng “lùn” đi khoảng 2cm trở lên là những dấu hiệu cảnh báo loãng xương.
3.1.4 Viêm khớp
Bệnh viêm khớp có thể diễn ra ở bất kỳ phần nào của lưng, nhưng phần thắt lưng phổ biến nhất.
3.1.5 Sỏi thận
Khi bị sỏi thận, bệnh nhân thường thấy đau từng cơn dữ dội ở vùng thắt lưng. Cơn đau xuất phát từ hai hố thắt lưng, sau đó lan ra bụng, xuống bụng dưới và xuống đùi.
3.2 Do thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày
3.2.1 Ngồi quá nhiều
Khi ngồi nhiều, toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn vào hông, mông. Khi đó, cột sống phải làm nhiệm vụ chống đỡ, giữ cho lưng được thẳng.
Nếu tình trạng này kéo dài, lưng trở nên quá tải gây đau nhức ở vùng cột sống thắt lưng.
3.2.2 Ngủ không đúng tư thế
Nhiều người có thói quen ngủ nằm úp bụng hoặc đầu không thẳng với cổ. Các tư thế này sẽ làm tăng áp lực lên cột sống, về lâu dài sẽ trở thành cơn đau mạn tính.
3.2.3 Do chấn thương
Những chấn thương do tai nạn, lao động hoặc chơi thể thao dẫn đến bong gân, giãn dây chằng, gãy cột sống… đều có thể khiến bạn bị bệnh từ nhẹ đến nặng.
3.3 Yếu tố nguy cơ
3.3.1 Thừa cân, béo phí
Thừa cân béo phì, lối sống ít vận động và lười tập thể dục có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh.
3.3.2 Sử dụng nhiều rượu, bia, chất kích thích
Người hút nhiều thuốc lá có khả năng bị cao hơn những người khác.
3.3.3 Mang thai hoặc kỳ kinh nguyệt
Phụ nữ khi mang thai hoặc đến ngày đèn đỏ thường có hiện tượng đau thắt lưng. Đây là tình trạng rất phổ biến do áp lực quá mức lên cột sống, đặc biệt đối với phụ nữ tháng cuối thai kỳ.
3.3.4 Căng thẳng, stress
Khi căng thẳng quá mức hay sử dụng thuốc giảm đau mà không hiệu quả khiến người bệnh lo lắng dẫn đến các dây thần kinh bên trong cột sống không được cung cấp đủ lượng oxy, người bệnh đau càng đau thêm.
4. Ảnh hưởng của đau lưng đến cuộc sống
Người nào đã từng bị đau cấp tính hay mạn tính, âm ỉ hay dữ dội đều phải thừa nhận rằng căn bệnh này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
4.1 Khó khăn đi chuyển động
Người bệnh thường gặp khó khăn trong hầu hết các chuyển động, bị giới hạn thực hiện những công việc tay chân. Theo đó, những hoạt động sinh hoạt hàng ngày phải diễn ra từ từ, chậm chạp để tránh đau nhức.
4.2 Gây mất ngủ
Những cơn đau thắt lưng vào ban đêm thường gây khó ngủ, về lâu dài dẫn đến mất tập trung, trí nhớ kém.
Theo một số nghiên cứu, người bị đau lưng mạn tính thường có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn gấp 4 lần so với người bình thường. Họ cảm thấy chán nản, vô vọng, cận nặng không ổn định, mất niềm vui hứng trong cuộc sống.
4.3 Mất khả năng cử động
Nếu chậm trễ trong việc chuẩn đoán và điều trị, cơn đau có thể còn kèm theo những biến chứng nguy hiểm khác như: yếu liệt các cơ chi dưới, tê bì hoặc mất cảm giác hai chân.
Thậm chí gây mất khả năng vận động, hoặc nặng hơn là những chèn ép vào hệ thần kinh gây rối loạn kiểm soát đi tiểu. Lúc này thời gian và chi phí điều trị cao là gánh nặng cho bản thân và gia đình.
5. Chuẩn đoán đau lưng
Những cơn đau nhẹ rất khó khăn trong việc chuẩn đoán chính xác. Chỉ khi người bệnh bị đau trong thời gian dài không khỏi thì mới cần đi khám. Ví dụ như: mất cảm giác; rối loạn đại tiểu tiện; có tiền sử bị chấn thương nặng…
Nếu nghi ngờ do bệnh lý cột sống hoặc biến dạng cột sống, để chuẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm chụp X-quang, CT hoặc MRI.
6. Các phương pháp điều trị
Sau khi thăm khám và đánh giá mức độ, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân.
6.1 Điều trị không dùng thuốc
6.1.1 Massage
Các động tác massage như day, bóp, ấn giúp lưu thông khí huyết và hạn chế những chèn ép tại cột sống. Đây là cách điều trị đơn giản ngay tại nhà mà không mất nhiều thời gian và chi phí điều trị.
6.1.2 Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Cách làm này giúp giãn mạch máu của các cơ xung quanh cột sống, tạo điều kiện tăng lưu lượng oxy và chất dinh dưỡng cho cơ bắp. Lưu ý không nên chườm quá nóng hoặc quá lạnh.
6.1.3 Bài tập vật lý trị liệu
Việc thực hiện các bài tập vật lý trị liệu giúp giảm đau và hạn chế triệu chứng tái phát. Tuy nhiên, việc thực hiện cần tham khảo và có sự giám sát của bác sĩ chuyên môn.
Bên cạnh đó, người bệnh nên tập yoga, bơi lội, đi bộ cũng là những phương pháp điều trị khá tốt, giúp phần lưng không bị đau nhức.
6.1.4 Châm cứu
Đã có nhiều trường hợp áp dụng biện pháp này và giúp giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên chưa có nhiều bằng chứng rõ rệt để chứng minh về lợi ích lâu dài.
6.1.5 Tỏi chữa đau lưng
Khi xuất hiện cơn đau, bạn có thể ăn 2 – 3 nhánh tỏi có thể giúp cải thiện tình trạng đau. Ngoài ra, bạn cũng có thể xoa dầu tỏi lên vùng lưng mỗi ngày để hạn chế cơn đau.
6.1.6 Nghệ chữa đau lưng
Có thể pha tinh bột nghệ uống hàng ngày, thực hiện đều đặn từ 20 – 30 ngày để giảm đau và hạn chế tái phát.
6.1.7 Bổ sung canxi và vitamin D
Tình trạng đau có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn bị thiếu hụt vitamin D và canxi, nhất là đối với phụ nữ có thai hoặc sau khi sinh mổ có gây tê tủy sống. Vì vậy, bạn cần bổ sung thêm vitamin D và canxi vào thực đơn hàng ngày.
6.1.8 Giảm cân
Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân gây bệnh do sức ép từ cơ thể lên cột sống quá lớn. Do đó, bạn cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để duy trì cân nặng cơ thể vừa phải.
6.1.9 Nghỉ ngơi
Khi xuất hiện những cơn đau do tư thế làm việc, sinh hoạt không phù hợp thì bạn nên nghỉ ngơi và thả lỏng cơ thể, giúp các cơ được thư giãn, giảm đau.
6.2 Điều trị bằng thuốc
Sau khi áp dụng các biện pháp điều trị trên mà không đạt hiệu quả, bạn cần chuyển sang áp dụng phương pháp điều trị bằng thuốc.
6.2.1 Paracetamol
Thành phần chính của thuốc là hoạt chất kháng viêm, giảm đau,. Thuốc có tác dụng giảm đau khoảng 4 tiếng sau khi dùng thuốc.
Tuy nhiên, paracetamol chỉ có tác dụng giảm đau nhất thời. Việc lạm dụng trong thời gian dài sẽ dẫn tới việc nhờn thuốc.
6.2.2 Thuốc Steroid
Đây là thuốc chống viêm mạnh mẽ và điều trị đau thắt lưng do thoái hóa đĩa đệm hiệu quả.
Nếu sử dụng lâu ngày có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm, nên chỉ sử dụng thuốc này cho các cơn đau nặng và thời gian ngắn (từ 1 – 2 tuần).
6.2.3 Thuốc làm giãn cơ
Một số loại thuốc thường dùng như Soma, Flexeril, Valium…
Cơ chế hoạt động của nhóm thuốc giãn cơ bằng cách tác dụng an thần trên cơ thể. Vì vậy, thuốc giãn cơ có thể được chỉ định sử dụng khi bị đau thắt lưng, đau do co thắt cơ.
6.2.4 Thuốc chống viêm không Steroid NSAIDS
Các loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị đau ở thắt lưng bao gồm: Ibuprofen, Naproxen,…
Đây là các loại thuốc giảm viêm, giảm đau thắt lưng do những bệnh lý xương khớp.
6.3 Tiêm ngoài màng cứng
Việc tiêm thuốc corticosteroid, steroid vào bên trong màng cứng sẽ có tác dụng nhanh hơn, giúp giảm đau và kháng viêm hiệu quả.
Phương pháp này thường được áp dụng cho những trường hợp bị đau do thoát vị đĩa đệm ở mức độ 3. Hoặc sử dụng cho những người bệnh có sức khỏe yếu, không đủ sức để phẫu thuật.
6.4 Tiêm botox giảm đau lưng
Phương pháp này có tác dụng làm tê các cơ bị bong gân trong co thắt, giúp giảm những cơn đau thắt lưng do co thắt hiệu quả khoảng 3 – 4 tháng.
6.5 Phẫu thuật
Trường hợp được chỉ định phẩu thuật là: điều trị nội khoa từ 5 – 8 tuần không khỏi; chèn ép dây thần kinh và tủy sống; đau do thoát vị đĩa đệm gây rách bao xơ.
Các phương pháp phẫu thuật: mổ mở hoặc qua ống banh (quadrant), nội soi cột sống.
7. Cách phòng tránh đau lưng
Đau lưng là tình trạng khá phổ biến, tuy nhiên bạn có thể hạn chế tình trạng này bằng cách:
7.1 Thường xuyên tập thể dục
Bạn nên duy trì thói quen thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, lưu thông khí huyết giúp các cơ khớp vận động linh hoạt.
7.2 Làm việc đúng tư thế
Chọn tư thế làm việc thích hợp như ngồi thẳng, đầu gối vuông góc, khi ngồi lâu nên chọn ghế chắc chắn vừa tầm cao của cơ thể.
Khi đứng làm việc nên giữ đồ vật lên ngang khuỷu tay, tránh phải đưa tay ra với. Khi ngồi hoặc đứng lâu nên thay đổi tư thế, đi lại tránh tăng áp lực lên cột sống.
7.3 Ngủ đúng tư thế
Có 2 tư thế giúp giảm đau hiệu quả:
– Nằm nghiêng sang một bên, kẹp một chiếc gối ở giữa hai đầu gối giúp giảm áp lực lên lưng.
– Nếu nằm ngửa, nên đặt một chiếc gối dưới đầu gối để giúp giữ cột sống ở tư thế đúng.
7.4 Kiểm soát và hạn chế căng thẳng
Căng thẳng kéo dài có thể kích hoạt và gây co thắt cơ lưng. Bạn có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách thực hiện các biện pháp như: thiền, hít thở sâu, yoga, đọc sách hoặc nghe nhạc.
7.5 Hạn chế mang giày cao
Việc thường xuyên mang giày cao gót, dẫn đến đau vùng thắt lưng. Bạn nên lựa chọn loại giày phù hợp. Chỉ nên mang giày cao gót trong thời gian ngắn để chân và cột sống được nghỉ ngơi.
Bài viết đã tổng hợp những kiến thức cơ bản cần thiết về bệnh đau lưng. Hy vọng sẽ giúp bạn phòng tránh được bệnh lý cơ bản này và có cuộc sống vui vẻ. Nếu cần thêm thông tin có thể liên hệ tới hotline của chúng tôi 0865 344 349 để các chuyên gia tư vấn.